Người dân khổ vì cầu cũ đập xong, cầu mới chưa xây
Người dân đi lại khó khăn qua cây cầu tạm tại xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất
Cây cầu tạm được xây dựng sau khi cầu Cần Kiệm cách đó vài trăm mét được phá dỡ để xây mới. Tuy nhiên, sau khi phá dỡ, cây cầu vẫn nằm đó ngổn ngang, không được thi công, khiến người dân phải đi qua cầu tạm luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Nhiều người bị ngã vì đi qua cầu tạm
Theo thông tin phản ánh của người dân xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội, họ rất bức xúc mỗi khi đi qua cây cầu tạm thuộc địa phận thôn Phú Đa. Chiếc cầu này nối giao thông giữa hai thôn Phú Lễ và Yên Lạc của xã Cần Kiệm và nối liền đường liên xã Cần Kiệm - Hạ Bằng, huyện Thạch Thất.
Cầu tạm được dựng hồi đầu tháng 7-2017, khi nhà thầu bắt đầu tiến hành sửa cây cầu cũ bằng sắt gần đó. Hàng ngày, số lượng học sinh, người dân qua lại cầu rất đông. Vào giờ cao điểm buổi sáng, cây cầu tạm luôn trong tình trạng kẹt cứng, người người chen chúc nhau. Có lúc các phương tiện nối đuôi xếp hàng chờ qua cầu dài hàng chục mét.
Trao đổi với PV, anh Đặng Thanh Long (ở xã Cần Kiệm) cho biết: “Vì là cầu tạm nên cây cầu này chỉ được làm bằng ván gỗ, khung sắt và các thùng nhựa. Vì vậy, mặt cầu mấp mô, khó đi. Các phương tiện qua cầu thường xuyên gặp sự cố, xe đổ ngã ngay trên cầu. Hôm trời mưa, có đến 10 người đi xe máy bị ngã khi qua cầu chỉ trong vòng 30 phút. Điều này khiến việc đi lại của người dân trong xã và các xã lân cận vất vả, khó khăn”.
Ngày 18-7, Báo ANTĐ từng phản ánh về việc cây cầu tạm này bị ngập nước hai bên đầu cầu sau khi Hà Nội bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 2, khiến các phương tiện không thể đi lại. Lãnh đạo UBND xã Cần Kiệm thậm chí đã phải chỉ đạo Công an xã, dân quân tự vệ ứng trực, mang áo phao hỗ trợ người dân qua sông.
Trong khi người dân vất vả hàng ngày vượt qua cây cầu tạm để đi làm, đi học thì cây cầu cũ được phá dỡ trước đó để xây mới vẫn “giậm chân tại chỗ”, không nhúc nhích xây dựng. Việc này khiến người dân không khỏi lo lắng, sẽ phải đi trên cây cầu tạm đầy nguy hiểm đến bao giờ.
Theo chị Kiều Nghĩa (ở thôn Phú Lễ, xã Cần Kiệm): “Sau khi cây cầu cũ được đập phá cũng có mấy tốp thợ đến xây cầu, nhưng được vài hôm lại không thấy đến nữa. Mỗi lần chỉ có 2-5 người thợ làm việc theo kiểu “gà đẻ cách nhật” vì thế đến bây giờ cầu mới vẫn dở dang nằm đó”.
Không thể thi công trụ cầu vì mực nước cao
Trao đổi với PV, ông Đặng Văn Võ, Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất xác nhận có tình trạng này xảy ra ở địa phương. Ông Võ cũng cho hay: “Dự án xây dựng cầu Cần Kiệm được thi công từ ngày 8-6, do Ban duy tu các công trình hạ tầng giao thông của Sở Giao thông vận tải Hà Nội là chủ đầu tư. Hai công ty Trường Thịnh và Nhật Anh là đơn vị thi công. Tuy nhiên, sau khi phá cầu cũ và làm cầu tạm cho người dân đi lại đến thời điểm này, tiến độ thi công xây dựng cầu mới đang ngưng trệ. Do mực nước sông Tích lên xuống thất thường, đơn vị thi công không có phương án xây dựng cầu khi nước lên, nên việc xây dựng cầu đang nằm im”.
Ông Võ cũng cho biết UBND xã đã nhận được nhiều ý kiến bức xúc của người dân và có văn bản gửi Phòng Quản lý đô thị và UBND huyện Thạch Thất phản ánh về tình trạng này. Xã cũng gửi văn bản trực tiếp đến Ban duy tu của Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề nghị có phương án xử lý, tuy nhiên đến thời điểm này chưa nhận được ý kiến chỉ đạo từ các cấp có thẩm quyền.
Trao đổi với PV, ông Lê Hữu Hồng, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình giao thông, Sở Giao thông vận tải Hà Nội xác nhận những thông tin người dân phản ánh là chính xác. Tuy nhiên, ông cũng lý giải nguyên nhân của sự việc: “Dự án này dự kiến hoàn thiện vào tháng 12-2017, tuy nhiên do mực nước sông Tích lên xuống thất thường sau mưa bão, nên tạm thời đơn vị chưa thể đóng cọc, xây trụ cầu. Không có việc ngừng thi công công trình, các hạng mục như dầm cầu vẫn được sản xuất”.
Cũng theo Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình giao thông, Sở Giao thông vận tải Hà Nội, nếu thời tiết thuận lợi, mực nước xuống thì công trình sẽ xong sau vài tháng.